Những điều nên làm trong tết Thanh minh 2024 để cả năm may mắn
Để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và mong cầu cả năm may mắn, người Việt thường đi tảo mộ, dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa và làm lễ cúng tết Thanh minh.
TS. Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, một năm có 24 tiết khí, trong đó Thanh minh là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày.
Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh được gọi là tết Thanh minh. Căn cứ vào lịch vạn niên, tết Thanh minh năm 2024 rơi vào thứ 5, ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 26/2 âm lịch. Tiết Thanh minh năm nay kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, từ 4 - 19/4 dương lịch.
Tết Thanh minh là dịp để mọi người báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên. Vì vậy, người Việt thường đi tảo mộ và làm lễ cúng vào ngày tết Thanh minh.
Mỗi gia đình có 3 điều nên làm trong tết Thanh minh để cả năm được may mắn, hanh thông:
Tảo mộ
Trong ngày tết Thanh minh, mỗi gia đình nên đi tảo mộ gia tiên, dòng họ. Đây là hoạt động ý nghĩa và quan trọng, không thể bỏ qua.
Phong tục tảo mộ chủ yếu là dọn cỏ, sơn phết, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, người thân, rồi sau đó thắp hương, cắm hoa. Nếu gia đình ở xa thì có thể tự lập mâm cúng và thắp hương từ xa gọi là cúng vọng tâm.

Tảo mộ là điều nên làm trong tết Thanh minh. Ảnh: Ngọc Quý
Các gia đình nên cho con, cháu nhỏ đi tảo mộ chung. Việc này không chỉ mang mục đích giúp trẻ nắm được vị trí ngôi mộ của gia tiên mà còn học cách viếng mộ, kính trọng tổ tiên.
Người đi viếng mộ cũng nên thắp hương cho những ngôi mộ không người chăm sóc, vô danh để tỏ lòng thành kính.
Dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ
Ngoài tảo mộ, vào tết Thanh minh, các gia đình cũng nên dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ sạch sẽ, gọn gàng. Theo quan niệm người xưa, việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ như: thay hoa, lau bát hương… thể hiện sự quan tâm chăm sóc và tiếp đón của con cháu đối với ông bà tổ tiên.
Làm lễ cúng tết Thanh minh
Làm lễ cúng tết Thanh minh cũng quan trọng như tảo mộ và dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Mỗi gia đình phải chuẩn bị lễ vật, bày mâm cúng tại nhà và ngoài mộ.
Sau khi dọn dẹp sạch sẽ phần mộ, người viếng bày biện mâm cúng, thắp nhang, cắm hoa và đọc văn khấn mời người đã khuất về hưởng tết Thanh minh cùng con cháu.
Mâm cúng Thanh minh tại nhà thường bày các món mặn như: Xôi, gà luộc, canh măng, các món xào… hoặc các món chay. Nếu không có điều kiện nấu cỗ, gia chủ có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng biết ơn tổ tiên.
(Tổng hợp)
Theo Ngọc Lài Vietnamnet.vn
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Xử phạt hoa khôi Nam Em 37,5 triệu đồng vì phát ngôn gây sốc
Ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hồ Chí Minh đã mời bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em (SN 1996) lên làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội. -
Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca
Thời gian qua, Nguyễn Đăng Độ được biết đến là tác giả của nhiều tác phẩm mang dấu ấn hiện thực và trữ tình. Qua ba thi tập đã xuất bản Tình quê (NXB Phụ nữ Việt Nam 2022), Hương xa (NXB Hội Nhà văn 2022), Những vần thơ yêu thương (NXB Hội Nhà văn 2023) anh đã hình thành cho mình... -
Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới (05/7/2003 - 05/7/2023). Tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo tồn và khai thác Di sản một cách có hiệu quả, bền vững.